Viêm lợi là một bệnh lý răng miệng phổ biến mà cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc phải. Đặc biệt, theo một số nghiên cứu, gần 50% người trưởng thành trên 30 tuổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị viêm lợi sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng một cách hiệu quả. Theo dõi bài viết sau cùng nha khoa An Phước để có thêm thông tin.
Viêm lợi là gì?
Viêm lợi (hay còn gọi là viêm nướu) là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở mô nướu bao quanh chân răng. Khi vi khuẩn tích tụ từ mảng bám răng do không được làm sạch kịp thời gây kích ứng, sưng đỏ thậm chí là chảy máu.
Viêm lợi thường là giai đoạn đầu của các bệnh lý nặng hơn như viêm nha chu, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển làm tổn thương đến cấu trúc nâng đỡ răng, men răng suy yếu dẫn đến mất răng.
Bệnh lý viêm lợi răng có thể được chia thành hai loại chính:
- Mức độ viêm cấp tính: Đây là giai đoạn đầu, khi lợi bị viêm nhưng chưa ảnh hưởng nhiều đến mô, cấu trúc quanh răng. Viêm lợi cấp tính thường có các triệu chứng nhẹ và có thể được điều trị dễ dàng nếu được phát hiện sớm.
- Mức độ viêm mạn tính: Tình trạng viêm kéo dài, lặp lại nhiều lần mà không được điều trị dứt điểm. Viêm nướu răng mạn tính có thể dẫn đến viêm nha chu dẫn đến nguy cơ làm răng lung lay hoặc rụng.
Nguyên nhân gây viêm lợi
Mảng bám tích tụ
Mảng bám là lớp màng dính gồm vi khuẩn, thức ăn bám trên bề mặt răng. Nếu không được loại bỏ thường xuyên bằng cách vệ sinh răng miệng, mảng bám có thể tích tụ, cứng lại thành cao răng gây kích ứng nướu. Vi khuẩn trong mảng bám gây viêm nhiễm, làm lợi sưng đỏ khiến nướu dễ chảy máu.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn thiếu vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, có thể làm giảm khả năng đề kháng của nướu trước vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nhiều đồ ăn ngọt, nhiều tinh bột hoặc thực phẩm giàu axit cũng góp phần tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ viêm nướu chân răng.
Thay đổi hormone
Sự thay đổi hormone trong các giai đoạn như dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh có thể làm tăng sự nhạy cảm của nướu. Đặc biệt, phụ nữ mang thai thường dễ bị viêm lợi do sự gia tăng hormone progesterone, làm tăng khả năng tích tụ mảng bám khiến nướu dễ tổn thương hơn.
Nguyên nhân khác
Ngoài những yếu tố trên, còn nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra viêm lợi, bao gồm:
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc, như thuốc chống suy nhược, có thể gây tác dụng phụ làm giảm lượng nước bọt, dẫn đến khô miệng tăng nguy cơ mảng bám.
- Căng thẳng: Stress có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn, khiến nướu dễ bị viêm nhiễm.
- Các bệnh lý nền: Những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc hệ miễn dịch suy yếu thường dễ bị viêm lợi hơn do cơ thể không thể chống lại vi khuẩn hiệu quả.
Triệu chứng của viêm lợi
Viêm nướu thường không gây ra đau đớn rõ rệt trong giai đoạn đầu, khiến nhiều người không nhận ra mình đang gặp vấn đề về nướu. Tuy nhiên, khi viêm lợi tiến triển, các triệu chứng trở nên rõ ràng và có thể dễ dàng nhận biết. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến mà người bị viêm nướu răng thường gặp phải:
- Sưng đỏ ở lợi: Đây là triệu chứng điển hình nhất. Khi lợi bị viêm, nướu trở nên nhạy cảm hơn, sưng phồng và có màu đỏ thẫm thay vì hồng nhạt như bình thường.
Xem thêm: Sưng nướu răng: Nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm
- Lợi chảy máu khi đánh răng: Một trong những biểu hiện sớm của viêm lợi là lợi dễ chảy máu khi tác động nhẹ như đánh răng.
- Hơi thở có mùi hôi: Vi khuẩn tích tụ không chỉ gây viêm mà còn dẫn đến mùi hôi miệng khó chịu.
- Lợi mềm và đau: Khi viêm nướu trở nên nghiêm trọng hơn, bạn có thể cảm thấy đau nhức hoặc khó chịu ở vùng lợi, đặc biệt là khi nhai thức ăn hoặc chạm vào.
- Lợi tách khỏi răng: Ở giai đoạn viêm nướu tiến triển, lợi có thể bắt đầu tách khỏi răng, tạo ra các túi nhỏ giữa răng và lợi, nơi vi khuẩn có thể phát triển. Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh có thể đang tiến triển thành viêm nha chu.
- Răng trở nên nhạy cảm: Khi viêm lợi ảnh hưởng đến mô, vùng xương xương quanh răng, bạn có thể cảm thấy răng lung lay hoặc nhạy cảm hơn khi ăn uống đồ nóng, lạnh hoặc chua.
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng trên kéo dài, đặc biệt là chảy máu lợi hoặc lợi tách khỏi răng, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa sớm để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Việc bỏ qua các triệu chứng viêm lợi có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm nha chu, dẫn đến mất răng.
Cách điều trị viêm lợi hiệu quả
Cách chữa viêm lợi tại nhà
Nếu viêm nướu ở giai đoạn nhẹ, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà để cải thiện tình trạng này:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách
Điều quan trọng nhất trong việc điều trị và ngăn ngừa viêm lợi là duy trì vệ sinh răng miệng tốt. Bạn nên chải răng ít nhất 2 lần/ ngày với kem đánh răng chứa fluoride. Sử dụng bàn chải mềm, nên thay bàn chải 3 tháng/ lần. Ngoài ra, việc sử dụng chỉ nha khoa hằng ngày để loại bỏ mảng bám giữa các kẽ răng cũng rất cần thiết.
- Súc miệng bằng nước muối ấm
Nước muối có tính kháng khuẩn và kháng viêm, giúp làm dịu, giảm sưng lợi. Bạn có thể pha một chút muối vào nước ấm, súc miệng 2 – 3 lần mỗi ngày.
- Sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên
Một số nguyên liệu thiên nhiên như tinh dầu tràm trà, nha đam có thể giúp kháng khuẩn và làm dịu lợi bị viêm. Bạn có thể thoa trực tiếp lên vùng lợi bị viêm hoặc thêm vào nước để súc miệng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, D và canxi giúp tăng cường sức khỏe răng miệng, hỗ trợ quá trình phục hồi của lợi. Hạn chế thực phẩm ngọt, nhiều đường, tinh bột để tránh tích tụ mảng bám.
Điều trị tại nha khoa
Nếu các biện pháp tại nhà không mang lại hiệu quả hoặc tình trạng viêm lợi đã trở nên nghiêm trọng, bạn cần đến gặp bác sĩ nha khoa để được điều trị chuyên sâu. Các phương pháp điều trị tại nha khoa bao gồm:
- Lấy cao răng: Cao răng là mảng bám cứng, không thể loại bỏ bằng cách chải răng thông thường. Bác sĩ nha khoa sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ cao răng và làm sạch mảng bám dưới nướu, giúp giảm viêm, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
- Điều trị nha chu: Nếu viêm lợi đã tiến triển thành viêm nha chu, bác sĩ có thể phải thực hiện các thủ thuật như làm sạch túi lợi sâu (deep cleaning) hoặc phẫu thuật nha chu để loại bỏ vi khuẩn, phục hồi cấu trúc nâng đỡ răng.
- Sử dụng thuốc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh hoặc nước súc miệng chứa chất kháng khuẩn để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
Viêm lợi là một vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc duy trì vệ sinh răng miệng tốt, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng tại nha khoa là những biện pháp quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của viêm lợi, đừng ngần ngại liên hệ nha khoa An Phước để hỗ trợ điều trị kịp thời.